- Trang chủ
- Tranh thư pháp
- Tranh thủy mặc
- Tranh sơn dầu
- Tranh tường
- Tranh màu nước
Họa sĩ Trương Hán Minh vừa được trung tâm Kỷ lục châu Á bình chọn kỷ lục về tranh thuy mac duy nhất tại Việt Nam. Dự kiến, đầu tháng 6/2013, ông sẽ được trung tâm này đến Việt Nam trao giải.Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, ba mẹ là người gốc Hoa sang Việt Nam sinh sống, Trương Hán Minh (SN 1951, tại Chợ Lớn, TP.HCM) đã sớm tiếp cận với môi trường cỏ cây hoa lá từ những đám rau, vườn cây, con vật thân thuộc mà gia đình vốn có. Từ đó, cuộc sống như trở nên đáng yêu hơn trong con mắt của chàng thanh niên mới lớn. Là đứa con duy nhất trotrng gia đình, ông được ba mẹ hết sức ưu tiên cho chuyện học hành. Nhưng rồi, những dự tính của ba mẹ dường như không thể ngăn cản nổi ước mơ học vẽ của ông. Lúc 16 tuổi, ông đã biết tự vun đắp ước mơ để trở thành họa sĩ. Mặc dù bị cấm học vẽ nhưng trong lớp học văn hoá, ông chỉ thích cầm cọ vẽ trên giấy. Ông nhớ lại: "Đi học trên trường, nhưng tôi chỉ mê vẽ. Biết ba mẹ không đồng ý, nhưng trong đầu tôi vẫn chỉ có... vẽ. Có những hôm, tôi bị thầy cô la vì có những hành động kỳ quặc, toàn vẽ lên giấy hình những con thú, cây cối... Về nhà, tôi phải hết sức kín đáo với chuyện học vẽ của mình. Tôi bị ba mẹ tuyệt đối cấm kỵ. Họ nói với tôi: "Nghề họa sĩ xưa nay nghèo lắm, không có tiền mà ăn đâu". Thế nhưng, tôi thấy đam mê môn vẽ nên lén lút học. Ba mẹ vẫn không hề hay biết gì chuyện của tôi. Mỗi khi đêm về, ba mẹ ngủ rồi, tôi mới dám lấy giấy ra vẽ vời". Sau ba năm học hỏi ở trường và tự mày mò ờ nhà, Trương Hán Minh đã có tác phẩm tranh triển lãm. Lúc này, tên tuổi của ông nổi tiếng trên khắp các mặt báo, nên gia đình mới nhận ra rằng con mình vẫn âm thầm theo nghiệp vẽ. Họ thấy tự hào vì có đứa con dám nghĩ dám làm, luôn biết học hỏi, và không ngừng vươn lên sáng tạo. Từ đó, gia đình chấp nhận cho ông theo đuổi nghiệp vẽ. Những năm 70 của thế kỷ trước, nghề hội họa tại Việt Nam dường như còn xa xỉ, hiếm có người theo học. Nhưng ông sớm tiếp cận được với những cách tân của hội họa phương Đông, từ người thầy là họa sĩ Lương Thiếu Hằng từ Hồng Kông qua Sài Gòn mở lớp hội họa, nên tranh thủy mặc của Trương Hán Minh đã có những bước đột phá. Ông cho rằng, dù là truyền thống hay hiện đại, tranh thủy mặc đều chú trọng cái nhã, cái đơn giản, tính hàm súc và tính khí thế. Mỗi bức tranh đều chứa đựng những quan điểm sống hay quan điểm nghệ thuật của tác giả. Đối tượng mà ông vẽ chính là cuộc sống con người sao cho gần gũi, thân thuộc nhất. Những con vật từ thời thơ ấu như chim cá, chuồn chuồn, bướm, hay những cây cối như sen, tre, trúc... từ Đầm Sen ngày xưa được ông vận dụng vào những tác phẩm của mình rất nhuần nhuyễn. Sự cách tân đã đưa giá trị những tác phẩm của ông lên tầm cao mới. Ông mạnh dạn lấy những cảnh vật gần gũi thân quen từ hiện thực cuộc sống, đưa vào tranh với phong cách vừa cổ điển, vừa hiện đại, pha tầm ảnh hưởng của hội họa phương Tây nhưng vẫn tái hiện được cảnh vật thiên nhiên hữu tình tại Việt Nam. Ông thường xuyên thâm nhập vào cuộc sống bằng những chuyến đi thực tế dài ngày để trải nghiệm những nét đẹp trên đất nước Việt Nam.
Vẽ tranh để làm thiện nguyện Xuất thân từ gia đình nông dân, từ nhỏ, họa sĩ Trương Hán Minh đã sớm biết cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, nhưng chưa có cơ hội mở lòng giúp đỡ họ. Khi những bức tranh của ông được mang đi triển lãm, nhiều doanh nhân đã cảm được cái thần thái, tài nghệ của ông, từ đó họ đấu giá làm từ thiện. Ý tưởng giúp người nghèo của ông bấy lâu nay đã thành hiện thực. Ông kể rằng: "Thời điểm những năm 1990, tôi đã sử dụng tranh vẽ của mình làm từ thiện rất nhiều. Tôi nhớ có bức tranh đã bán được hơn 150 triệu đồng năm 1994, xây được hàng chục căn nhà tình nghĩa. Rồi sau đó, nhiều bức tranh khác đấu giá được hàng tỷ đồng giúp đồng bào miền Trung lũ lụt... Có lẽ chính nhờ làm việc thiện, giúp tôi nỗ lực hơn trong nghiệp vẽ của mình. Một trong những bức tranh đấu giá hơn một tỷ đồng có tên Phú Quý Trường Xuân là tôi ấn tượng nhất, giúp tôi nhận danh hiệu Kỷ lục gia Việt Nam về tranh thủy mặc". Ông vốn là người Việt gốc Hoa, nhưng trong lòng họa sĩ vẫn mong muốn làm những việc nghĩa hiệp cho đời trên mảnh đất mà mình được sinh ra. Ông tâm sự: "Một lý do khác khiến tôi sớm đến với những mảnh đời bất hạnh là vì trước đó tôi từng là người thầy giáo đi dạy văn, dạy hội họa cho học sinh. Tham gia nhiều công tác xã hội, nhiều tổ chức đoàn thể, tôi thấu hiểu được tinh thần tương thân tương ái của bà con mình, với truyền thống lá lành đùm lá rách, đỡ đần nhau trong lúc khó khăn của người Việt. Ngoài ra, trong quá trình công tác, tôi tiếp thu được những đức tính từ Bác Hồ là phải thương yêu đồng loại... cho nên hi sinh tiền của vì người nghèo là việc tôi nên làm".
Đồng cảm với những người nghèo, ông nhớ lại cuộc sống lúc khó khăn của mình. Ông cho rằng, để được thành công như ngày hôm nay, bản thân đã phải trải qua bao khó khăn của cuộc đời. Ông kể: "Có thời điểm, gia đình tôi cũng khó khăn lắm. Thời đó, tranh tôi sáng tác rất đẹp nhưng người dân chưa biết thưởng thức nhiều. Do đó, những đồng tiền từ việc bán tranh không trang trải đủ cuộc sống gia đình. Vốn cưới vợ sớm, tôi còn phải đảm nhiệm trách nhiệm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Cứ mỗi lần hết gạo là bà xã lại kêu lên con không có gì ăn. Những lúc đó, tôi phải đấu tranh giữa cái sống với nghệ thuật. Kết quả tôi vẫn phải làm thuê đủ thứ nghề như công nhân, buôn bán... Tuy nhiên tôi vẫn miệt mài vẽ ngày đêm, bất cứ lúc nào rảnh". Nói về sự khổ luyện để thành tài, họa sĩ Minh cho rằng: “Tranh thủy mặc là môn học rất khó. Nếu có tài, có tâm, người họa sĩ phải học hành chăm chỉ ba năm mới có thể biết vẽ. Tuy nhiên, cái cốt yếu để vẽ nên một tác phẩm tranh thủy mặc có hồn đó chính là ý tưởng sáng tạo, sự kiên trì, chịu khó, có năng khiếu vẽ... Cái hồn bức tranh chính là yếu tố để đánh giá bức tranh của bạn có thành công hay không, đánh giá được tài năng nghệ thuật của người vẽ bức tranh đó. Tôi nghĩ nhận giải Kỷ lục gia châu Á về tranh thủy mặc lần này không có gì phải bất ngờ. Nó là cả một quá trình lao động miệt mài, sáng tạo chưa bao giờ ngưng nghỉ của tôi. Bằng chứng là tranh của tôi đã được mọi người yêu thích khắp nơi, và quan trọng, tôi biết dâng hiến những thành công nhỏ bé của mình cho những mảnh đời khó khăn". Theo họa sĩ Trương Hán Minh, những người trẻ hãy nuôi dưỡng ước mơ, dám nghĩ dám làm thì tất sẽ có ngày thành công. "Thời đó, tôi từng bị cấm cản nhưng vẫn học được. Học vẽ thành thạo, có vào bức tranh nổi tiếng thì lại gặp khó khăn về kinh tế, chạy đôn chạy đáo làm đủ thứ nghề kiếm ăn. Tuy nhiên cuối cùng tôi vẫn thực hiện được ước mơ của mình. Tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng, nếu có ước mơ hoài bão thì phải kiên trì, chịu khó thực hiện ngay khi còn trẻ. Để đến khi về già nếu có cơ hội thì mình có cố gắng không bao giờ kịp". |