(VTV Online) - Em là dòng sông Mã, anh là núi Mường Hum… Vẻ đẹp, sức quyến rũ của Tình ca Tây Bắc khiến bất cứ ai nghe bài hát, dù chưa đặt chân đến cũng có thể hình dung được cảnh sắc sinh động, độc đáo, nên thơ của mảnh đất vùng cao này.
Năm 1953, nhà thơ Cầm Giang đã sáng tác bài thơ “Núi Mường Hung, dòng sông Mã” và đã nhanh chóng được lan truyền ở miền sơn cước. Năm 1957, trên đường đi sưu tầm dân ca Mường, Thái ở vùng Tây Bắc, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh đã rất ấn tượng với những câu thơ mộc mạc, giản dị mà rất gợi cảm này.
Tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu với tác giả Cầm Giang, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh đã phổ nhạc thành ca khúc Tình ca Tây Bắc. Nhưng bài thơ dài tới 64 câu, không thể phổ nguyên xi nên ông quyết định chỉ phỏng thơ để tạo thành tác phẩm âm nhạc. Trong đó, những câu thơ ông tâm đắc nhất đã được giữ để thành lời ca của bài hát: “Em hãy về bên suối, đợi anh ở bên khuông/ Anh làm no lòng mường, em làm vui ấm bản” và “Anh là rừng xanh thắm, em là suối ngàn sâu/ Cây rừng anh làm cầu, vắt ngang qua dòng suối/ Khi nắng mùa xuân tới, rừng anh in bóng suối em…”. Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về/ Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa/ Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn/ Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa khúc ca rộn vang… Mở đầu bài hát là những nét chấm phá đầy ấn tượng trong một bức tranh thủy mặc. Phải là người gắn bó với Tây Bắc thì mới tinh tế như vậy trong việc cảm nhận và miêu tả mùa xuân ở vùng cao. Đoạn mở đầu này do chính Bùi Đức Hạnh viết. Và lồng vào không gian tràn ngập sức sống của núi rừng ấy là câu chuyện tình của cặp trai- gái miền sơn cước.
Em là dòng sông Mã/Anh là núi Mường Hum/Cho thuyền em ngược dòng gió đưa em về núi/Em hãy về bên suối/Đợi anh anh ở bên nương/Anh làm no lòng mường/Em làm vui ấm bản… Núi là anh, suối là em - sự ví von ấy như minh chứng cho một tình yêu đôi lứa mãi mãi bền vững như ngọn núi Mường Hum cao vút và dạt dào vô tận như dòng sông Mã không bao giờ khô cạn. Một hình ảnh ẩn dụ thật tinh tế mà vẫn rất gần gũi như lối nghĩ, lối nói thật thà, chất phác của người dân tộc Thái. Đây vừa là câu hẹn hò, vừa là lời động viên nhắn nhủ để tình yêu đôi lứa được sống trong thuận hòa, no ấm của bản làng, quê hương. Hay ở lời 2: “Anh là rừng xanh thẳm. Em là suối ngàn sâu. Cây rừng anh làm cầu, vắt ngang trên dòng suối” thì tình yêu đôi lứa lại càng thêm mặn mà, đằm thắm. Anh như cây rừng làm nhịp cầu để nối liền và gắn kết với dòng suối em.
Đó là tình yêu đôi lứa chỉ đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi bản làng có cuộc sống êm đềm, yên ả và đất nước được hòa bình, hưng thịnh. Lời ca như một ẩn ý nhắn với chúng ta rằng, tình yêu đôi lứa chỉ thật sự “hạnh phúc như mùa xuân” khi biết kết hợp và gắn bó hài hòa, mật thiết với tình yêu quê hương, cội nguồn, xứ sở và mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn, trưởng thành. Đã hơn 50 năm trôi qua, Tình ca Tây Bắc vẫn là bài hát hay nhất về Tây Bắc và là một trong những bài hát đặc sắc viết về mùa xuân, về quê hương đất nước. Rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn bài hát này, trong đó phải kể đến cặp song ca Bích Liên – Kiều Hưng; Thu Hiền- Trung Đức và sau này là Trọng Tấn- Anh Thơ.
|